Rối loạn ăn uống là một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp liên quan đến thói quen ăn uống không do nhu cầu thực tế, ám ảnh quá mức về thức ăn, trọng lượng và ngoại hình cơ thể.
Rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ - nhóm đối tượng chú ý nhiều đến vẻ đẹp hình thể.
Biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống ở mỗi người khác nhau. Một số triệu chứng dễ nhận biết là ám ảnh quá mức về việc giảm hoặc tăng cân; chán ăn, nhịn ăn hoặc ăn uống vô độ; cảm thấy xấu hổ về thói quen ăn uống của mình, vì vậy cố gắng nôn mửa hoặc tập thể dục quá mức.
Rối loạn ăn uống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về thể chất và tinh thần.
Dưới đây là một số ảnh hưởng của rối loạn ăn uống đến sức khỏe:
Thừa cân béo phì
Một số người bị rối loạn ăn uống có biểu hiện là cuồng ăn và ăn liên tục kể cả khi cơ thể đang no hoặc không thấy đói, ăn đến mức no một cách khó chịu. Lượng calo đưa vào cơ thể luôn nhiều hơn năng lượng tiêu hao, dẫn đến thừa cân béo phì.
Suy dinh dưỡng
Những người mắc chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần, ăn vô độ tâm thần có khả năng bị sụt cân nghiêm trọng và suy dinh dưỡng. Họ ăn rất ít, nhịn ăn hoặc ăn rất nhiều, nhưng nỗi lo béo phì và ám ảnh về cân nặng luôn thường trực khiến họ tập luyện quá mức, tự nôn mửa, dùng thuốc xổ hoặc các chất ức chế ăn ngon khác.
Suy nhược thần kinh
Những người bị rối loạn ăn uống thường báo cáo về trạng thái mệt mỏi kéo dài, nhất là khi cố gắng suy nghĩ. Kèm theo đó là tình trạng mất ngủ, kiệt sức, đau nhức cơ, chóng mặt, đau đầu.
Lo lắng và ám ảnh quá mức về cân nặng của bản thân cùng với việc mất ngủ kéo dài và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy nhược thần kinh ở người bị rối loạn ăn uống.
Ám ảnh sợ xã hội
Khoảng 2/3 người bị rối loạn ăn uống cũng bị rối loạn lo âu. Những người bị rối loạn ăn uống thường cảm thấy xấu hổ, tội lỗi mỗi khi suy nghĩ về thói quen ăn uống của mình. Họ bị ám ảnh quá mức về ngoại hình của mình trong mắt người khác nên thường chọn cách ăn một mình, thậm chí là rất sợ phải ăn trước mặt người khác hay ăn uống ở nơi công cộng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến chứng ám ảnh sợ xã hội.
Bệnh tim mạch
Cơ bắp và tim mạch là hai cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất do rối loạn ăn uống. Khi không được bổ sung đủ dinh dưỡng, cơ thể phải tự phân hủy mô của chính mình để duy trì hoạt động. Việc thiếu năng lượng dẫn đến giảm tỷ lệ trao đổi chất, làm nhịp tim chậm và huyết áp thấp.
Bên cạnh đó, nôn mửa hoặc uống thuốc xổ thường xuyên sẽ làm cạn kiệt các chất điện giải như kali, natri, clorua và canxi – các chất đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tim đập và co cơ. Mất cân bằng điện giải gây ảnh hưởng bất lợi đến tim, khiến nhịp tim không đều, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, suy tim và đột quỵ.
Hệ tiêu hóa
Nhịn ăn liên tục hoặc ăn nhiều đến mức no khó chịu, tự nôn mửa và uống thuốc xổ tái diễn sẽ cản trở hoạt động bình thường của dạ dày và hệ tiêu hóa nói chung, có thể gây ra rất nhiều vấn đề như: đau dạ dày và đầy hơi, buồn nôn và ói mửa, hạ đường huyết, tắc ruột…
Hệ nội tiết
Rối loạn ăn uống có thể làm suy giảm nồng độ hormone do không cung cấp đủ carbohydrate. Suy giảm hormone giới tính estrogen ở nữ có thể khiến các bé gái không có kinh, phụ nữ có kinh nguyệt không đều hoặc ngừng kinh. Suy giảm testosterone ở nam có thể gây rối loạn cương dương. Ngoài ra, suy giảm hormone giới tính có thể làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần phải điều độ trong mọi hoạt động, từ vận động, học tập, làm việc, giấc ngủ cho đến ăn uống.
Nếu bạn bị ám ảnh về thức ăn và cân nặng của mình đến mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn cần được hỗ trợ và điều trị tích cực ngay. Bởi đây là một rối loạn nghiêm trọng cần được chú ý do những ảnh hưởng nặng nề của nó đến sự phát triển của một người, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.