Gan được xem như lá chắn của cơ thể với tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm nhập qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.
Trong quá trình hoạt động, bộ phận này phải tiếp nhận một lượng lớn các chất cần xử lý. Và đây là “danh sách đen” những yếu tố khiến gan trở nên quá tải.
Đường
Fructose ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của gan, làm cho quá trình đốt cháy chất béo kém hơn. Do vậy, việc thêm nhiều đường fructose vào chế độ ăn uống sẽ khiến gan tích trữ nhiều chất béo hơn, điều này gây hại cho gan và ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Bột ngọt
Bột ngọt làm tăng hương vị của nhiều loại thực phẩm đóng gói và chế biến. Ngoài ra, nó còn giúp tăng hương vị của thực phẩm. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy hoá chất này có thể làm cho gan nhiễm mỡ và viêm, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và ung thư gan.
Uống rượu
Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Các chuyên gia trên thế giới cho biết, chất cồn vào cơ thể ở mức an toàn là 1 đơn vị mỗi ngày. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa.
Acetaminophen
Khi đau đầu, đau lưng hoặc cảm lạnh bạn đều sử dụng thuốc giảm đau. Hãy chắc chắn rằng bạn uống thuốc đúng liều lượng vì khi quá liều acetaminophen, kho dự trữ glutathione sẽ bị cạn kiệt dần. Nếu thiếu hụt mất trên 70% số lượng bình thường thì NAPQI không bị trung hòa sẽ gây tổn thương cho tế bào gan.