Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cho người bệnh. Dù người bệnh có may mắn tránh được cánh cửa tử thần, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời. Trên toàn cầu, chỉ khoảng 15 - 30% người bệnh sống sót sau đột quỵ có thể độc lập hoàn toàn về chức năng.
Theo các thống kê trên toàn thế giới thì:
- Trong 6 người sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ trong vòng đời
- Mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ và trong đó có đến 6 triệu người tử vong
- Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 6 người tử vong vì đột quỵ
Hiện nay, số lượng người bệnh bị đột quỵ ngày càng tăng và lại có dấu hiệu trẻ hóa khi xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi tại sao?
Đó có thể là do cuộc sống hiện tại chúng ta ít vận động, ăn uống thừa calo,... những thói quen xấu này dẫn đến các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ liên quan đến lối sống gia tăng như: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch,... Ngoài ra, các yếu tố khác như: bất thường bẩm sinh ở tim, mạch máu não,... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Việc nhận biết và phát hiện bản thân hoặc người xung quanh bị đột quỵ là vô cùng quan trọng. Vì nếu chúng ta phát hiện sớm, đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời thì cơ hội cứu sống người bệnh sẽ cao hơn và hạn chế tàn tật sau đột quỵ. Nếu chúng ta hoặc người thân có 1 trong các triệu chứng sau thì phải đến bệnh viện ngay:
- Mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt
- Rối loạn thị lực, mắt nhìn mờ
- Méo miệng
- Yếu liệt tay, chân
- Nói khó hoặc thay đổi giọng nói
Đột quỵ xuất hiện đột ngột và hầu như không có dấu hiệu báo trước. Do đó để phòng tránh căn bệnh này, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh và tầm soát các yếu tố nguy cơ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, nhằm tránh khả năng bị đột quỵ trong tương lai.