Một buổi sáng ở Trung tâm Nam học
Không chen chúc, không đa dạng đối tượng, cũng không ồn ào xô lấn như các khoa khám bệnh khác, bệnh nhân ngồi chờ vào khám nam học ở Trung tâm Nam học, BV Việt Đức phần lớn là những người đàn ông từ 20 tuổi trở lên, có các bệnh nhạy cảm, khó nói về đường sinh dục.
Họ thường đi một mình, thi thoảng mới có người đi cùng. Một bầu không khí im lặng trước cửa phòng khám, không có những câu chuyện xì xào bàn tán giữa những bệnh nhân đang ngồi chờ tới lượt khám, chỉ có những gương mặt âu lo, nặng nề.
“Một tuần Trung tâm Nam học mở cửa khám 3 buổi, vào thứ hai, tư, sáu và hội chẩn vào thứ năm. Trung bình mỗi ngày khám cho 50 bệnh nhân. Bệnh nhân đến khám nam học phần đông là dân thành phố hoặc giới trí thức”.
Chị y tá ngồi bàn thu hồ sơ khám bệnh cho biết như vậy, theo chị “không phải bệnh này xảy ra ở thành thị nhiều hơn mà quan trọng là chữa bệnh tốn kém nên người dân quê làm gì có điều kiện, hơn nữa người dân quê còn nặng tư tưởng phong kiến lắm, họ ngại không nói ra hoặc không chịu thừa nhận khi mắc căn bệnh này”.
Rất khó khăn chúng tôi mới bắt chuyện được với một bệnh nhân, anh Ph., người thành phố Hải Phòng đang đứng ngồi không yên: “Tôi bị bệnh đau đường tiết niệu từ lâu, khám chữa ở BV Hải Phòng nhiều lần rồi không khỏi, truy cập internet mới biết trung tâm này, một mình bắt xe từ Hải Phòng lên đây khám xem sự thể thế nào.
"Cứ ngỡ là chỉ bị sơ sơ thôi, khám trong ngày rồi chiều về luôn nên không báo ai trong gia đình, cũng không mang theo giấy tờ tùy thân. Ai ngờ mình lại bị bệnh... thế này, các bác sĩ phán đoán do để bệnh đường tiết niệu kéo dài âm ỉ nên gây biến chứng đến đường sinh dục. Phải thuê nhà trọ nghỉ 2 đêm rồi, giờ đang chờ kết quả hội chẩn để xem thế nào”.
Nhìn qua danh sách trong sổ khám bệnh nhân, chủ yếu đối tượng đi khám nam học mắc các bệnh liên quan đến đường sinh dục như rối loạn cương dương, vô sinh nam giới, nội tiết tố liên quan đến vấn đề sinh sản, và cả một số trường hợp tình dục đồng giới...
Đặc biệt, có một cụ già 83 tuổi vẫn đi khám nam học, lý do theo chúng tôi được biết là cụ “trót lấy vợ trẻ hơn mình tới 30 tuổi, không muốn nhưng vẫn phải đi khám vì... chẳng nhẽ lại để vợ đi ngoại tình”, đó là những câu chuyện trong một buổi sáng ở Trung tâm Nam học, BV Việt Đức.
Mỗi cây mỗi hoa...
Ngồi nghe những bác sĩ trong Trung tâm Nam học, BV Việt Đức kể về những hoàn cảnh đến khám nam học ở đây, quả thật là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chỉ tính riêng hơn 5.000 bệnh nhân đã đến khám chữa về bệnh vô sinh nam giới kể từ khi Trung tâm Nam học đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cũng là hơn 5.000 tấn bi kịch gia đình, những bi kịch không dễ nói ra.
Đó là trường hợp của một gia đình mà hai vợ chồng đều là giảng viên của một trường đại học lớn. Lấy nhau 15 năm trời, đến khi họ đưa nhau đi khám thụ tinh trong ống nghiệm, mọi người mới biết người vợ suốt 15 năm đó vẫn còn trinh trắng, nguyên vẹn.
Lý do là ông chồng mắc bệnh “bất lực”, hai vợ chồng ầm thầm đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, người vợ vì thương chồng và có lẽ cả vì lòng tự trọng của người phụ nữ mà âm thầm chịu đựng. Những đêm gió lớn, mưa to, không chịu được chị đành vùng dậy kiếm việc gì đó để làm chờ trời sáng. Còn người chồng, vì tự ái cũng đã nhiều lần muốn ly hôn để giải thoát cho vợ. Cuối cùng, người chồng đã đến điều trị tại Trung tâm Nam học, BV Việt Đức.
Một cặp vợ chồng khác ở Hà Nội, cũng làm cán bộ Nhà nước, gặp hoàn cảnh tương tự. Người chồng (anh Q.) mắc bệnh “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền” nên không bao giờ thỏa mãn được nhu cầu của vợ. Biết mình “yếu thế” nên nhiều khi bị vợ dè bỉu “thà nằm với khúc gỗ còn hơn” mà anh Q. phải cắn răng chịu đựng.
Theo lời kể lại đầy đau xót của anh Q.: Nhiều khi người vợ gọi thẳng “của quý” của chồng trước mặt bạn bè là “phế phẩm”. Đó không chỉ là nỗi đau của người đàn ông mà là một bi kịch gia đình, là nguyên nhân khiến đôi vợ chồng này nên nỗi “ly hôn”. Anh Q. cũng đã tìm đến Trung tâm Nam học để điều trị căn bệnh “trên bảo dưới không nghe” của mình.
Còn biết bao bi kịch khác liên quan đến bệnh Nam học, hay mọi người vẫn gọi tránh đi là bệnh khó nói ở nam giới mà chúng tôi không thể kể hết. Một căn bệnh tưởng chừng như là đơn giản, không được mấy ai để ý đến, tuy nhiên lại là một căn bệnh tâm lý, xã hội vô cùng nguy hại trong cộng đồng.
Các chuyên gia Nam học hàng đầu Việt Nam đã tổng kết, tất cả các bệnh nhân, gia đình bệnh nhân mắc bệnh Nam học đều đã và đang rơi vào 4 bi kịch: Vợ chồng ly hôn, ly thân, chuẩn bị ra tòa ly hôn, cố chịu đựng để sống với nhau nhưng không khí gia đình luôn ở trong trạng thái nặng nề.
Đừng đau khổ vì thiếu hiểu biết
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nam học là loại bệnh mang tính đặc thù, vừa là nội khoa cũng vừa là ngoại khoa. Do đó, để điều trị được căn bệnh này đòi hỏi người bác sĩ phải là một nhà tâm lý học thực thụ...
Phần lớn người dân thiếu hiểu biết về bệnh nam học
Các chuyên gia nam học Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, nhất là ở vùng nông thôn nên hiện nay nhiều người dân vẫn có lối suy nghĩ rất lệch lạc về các bệnh giới tính. Nhiều người cho rằng bệnh nam học thực chất không phải là bệnh mà chỉ là những biểu hiện trụy lạc, đồi trụy, là một yếu tố liên quan đến đạo đức trong sinh dục của một bộ phận nam giới.
Phần lớn người dân không hiểu rằng, những triệu chứng khó nói liên quan đến vấn đề tình dục, đường sinh dục của nam giới thực chất là một căn bệnh rất nguy hiểm trong xã hội. Trên thế giới, người ta gọi đó là bệnh Sexnual Medecine – bệnh y học tình dục.
Còn ở Việt Nam, khi trung tâm đầu tiên điều trị căn bệnh này được ra đời vào tháng 1-2006 tại BV Việt Đức, những người sáng lập ra trung tâm đó đã gọi tránh thành bệnh nam học.
Theo GS.TS-Nhà giáo nhân dân Trần Quán Anh, Trung tâm Nam học BV Việt Đức, sự lệch lạc trong nhận thức của người dân về căn bệnh... khó nói ở nam giới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc điều trị căn bệnh này kém hiệu quả.
Khác với nước ngoài, ở nước ta phần lớn người dân khi có các triệu chứng hoặc khi đã mắc bệnh nam học, họ thường giấu giếm, e ngại người khác biết về căn bệnh của mình.
Họ không chịu thổ lộ tình trạng bệnh tật của mình với cả những người thân thiết nhất trong gia đình, thậm chí là vợ. Người đàn ông sợ vợ buồn, thất vọng và sợ cả vai trò, quyền uy của mình bị giảm đi trong mắt người vợ.
Điều đó khiến cho những bệnh nhân mắc các bệnh về nam học thường có quá trình ủ bệnh lâu, đi khám chữa muộn và bệnh đã ở giai đoạn khó chữa.
Tâm lý chung này không chỉ xảy ra ở nông thôn mà ngay cả ở thành phố, cả những tầng lớp trí thức có trình độ nhận thức cao, tư tưởng tân tiến. Các bác sĩ ở Trung tâm Nam học BV Việt Đức cho biết, trong số các bệnh nhân đến khám nam học có cả những quan chức cao cấp như một ông Phó chủ tịch tỉnh ở một tỉnh lớn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, một giám đốc Sở ở Hà Nội..., những người này đều mong muốn được điều trị riêng tại nhà bác sĩ để tránh bị người quen, vợ con phát hiện.
Bệnh nam học hoàn toàn có thể chữa trị được
Các chuyên gia Nam học Việt Nam đã nghiên cứu và tổng kết được, bệnh nam học gồm 11 căn bệnh chính, trong đó có 4 bệnh nam học thường gặp nhất ở Việt Nam là rối loạn cương, rối loạn xuất tinh, vô sinh nam giới và mãn dục nam giới (ở đàn ông 50 tuổi trở lên).
Theo GS.TS Trần Quán Anh, nhiều người mắc bệnh nam học thường tự ti, e ngại không đi điều trị, họ không biết rằng căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
GS.TS Trần Quán Anh kể lại: Có một trường hợp người chồng bị rối loạn cương dương “không làm ăn gì được”, sau khi điều trị nam học ở Trung tâm Nam học đã trở lại bình thường. Thực chất nguyên nhân bệnh ở người đàn ông này rất đơn giản.
Do đi công tác lâu ngày mới về nên vợ chồng rất háo hức, người vợ tắm xong dự định sẽ không mặc gì trong buổi tối ấy nên xịt đầy thuốc diệt muỗi để... phòng muỗi đồng thời cũng xức nước hoa trên cơ thể. Điều này khiến người chồng bị ức chế mạnh, dẫn đến “vừa vào cuộc đã ỉu xìu”. Những lần sau, cứ ngửi thấy mùi nước hoa của vợ là tình trạng trên lại tái diễn.
Với trường hợp này, các bác sĩ chỉ cần tư vấn tâm lý giúp bệnh nhân thoát khỏi sự ức chế là bệnh nhân đã trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, một trường hợp người chồng có quốc tịch úc, lấy vợ Việt Nam, sau khi được phẫu thuật dương vật cũng đã có con...
Cũng theo GS.TS Trần Quán Anh, việc chữa trị bệnh nam học là rất phức tạp vì: “Không có một trường hợp nào giống trường hợp nào, cũng không có một toa thuốc nào chữa trị được tất cả các bệnh nam học”.
Lấy ví dụ trong bệnh vô sinh nam giới, có trường hợp uống thuốc khỏi, có trường hợp dùng thủ thuật chữa khỏi (như thắt ống dẫn tinh), cũng có trường hợp phải phẫu thuật và thậm chí có trường hợp phải phối hợp tất cả các biện pháp trên.
Điều đáng mừng là hiện nay, dư luận xã hội ngày càng bớt khắt khe hơn về căn bệnh này, Nhà nước, Bộ Y tế cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cho phép nhập thuốc ngoại để điều trị nên hiệu quả điều trị bệnh nam học đã được nâng cao đáng kể.
Cụ thể, việc phẫu thuật, nối ống dẫn tinh để điều trị bệnh vô sinh nam giới ở Trung tâm Nam học, BV Việt Đức đã đạt được tỷ lệ thành công là 74,6%, tuy nhiên tỷ lệ có con sau khi mổ chỉ là 42%.
Hiện cả nước mới chỉ có 8 trung tâm, phòng khám thực hiện khám nam học (5 ở Hà Nội và 3 ở TP Hồ Chí Minh). Các bác sĩ, chuyên gia nam học vẫn được đào tạo chủ yếu dưới hình thức truyền nghề chứ chưa có khóa đào tạo căn bản nào ở trường đại học.
Mặt khác, việc điều trị bệnh nam học cũng rất tốn kém, thuốc đắt... nên chưa phổ biến rộng được. Các chuyên gia nam học hàng đầu Việt Nam đã khuyến nghị lên Bộ Y tế về việc mở lớp đào tạo chuyên gia nam học và nhất là cho phép mở rộng hệ thống phòng khám nam học, kể cả phòng khám tư nhân để phục vụ nhu cầu bệnh nhân.
Đó là một tín hiệu đáng mừng cho những nam bệnh nhân mắc phải các bệnh vẫn được xem là bệnh... khó nói.